“Tháng năm ngày tết Đoan Dương – Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”

“Tháng năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang”
Theo phong tục, cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch thì người dân khắp nơi lại cúng Tết Đoan Ngọ, ăn hoa quả, rượu nếp, bánh gio để “giết sâu bọ”. Thế nhưng hàng nghìn năm đã trôi qua, và ít ai biết được tại sao phong tục lại là như thế ?! Đã đến lúc người dân Việt cần đặt câu hỏi, để tìm lại về nguồn gốc của những phong tục mà mình theo từ suốt bao đời nay.
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương vào tháng Ngọ. Theo lịch Việt cổ, tháng đầu tiên của một năm là tháng Một ( ngày nay gọi là tháng 11) – là tháng Tý ( Tý là khởi đầu vòng 12 con giáp). Tháng 11 âm được gọi là tháng Tý, sau đó tới tháng 12 âm gọi là tháng Chạp ( tháng Sửu), tháng Giêng (Dần) , tháng Hai ( Mão)…Một năm có khoảng 365,25 ngày, nửa năm là 182,62 ngày. Mỗi tháng có trung bình 29,53 ngày, 6 tháng ứng với 177,18 ngày, nghĩa là còn thiếu khoảng 5 ngày rưỡi nữa mới đủ nửa năm nếu tinh đên ngày 5-5 âm lịch nên Tết Đoan ngọ cũng có tên là Tết nửa năm. Tháng Năm âm lịch là tháng thứ 7 kể từ tháng 11 âm , nên là tháng Ngọ. Tết Đoan Dương vào ngày mùng 5 của tháng Ngọ, nên mới tên là Tết Đoan Ngọ. Người ta còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ hay Đoan Ngũ (ngày 5/5), do vậy mà các ngày mồng 1, 2, 3, 4 tháng 5 Âm lịch được gọi Đoan nhất, Đoan nhị, Đoan tam, Đoan tứ…
Theo Hà Đồ- Lạc Thư, những kiến thức của nền văn minh Văn Lang cổ xưa về thiên văn học, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch được cho là ngày mà đuôi của chòm sao Đại Hùng tinh (Gấu lớn – Great Bear) trực chỉ về phương Nam. Như vậy có thể nói rằng ngày Tết Đoan Ngọ là ngày Tết thuần Việt dưới góc nhìn của thuyết Âm Dương, Ngũ Hành và Hà Đồ, Lạc Thư, chẳng có liên quan gì đến câu truyện về Khuất Nguyên hay Lưu-Nguyễn bên Trung Quốc cả. Mùng 5 tháng 5 Âm lịch được lấy theo biểu tượng của hai dãy mỗi dẫy 5 vòng tròn đen ở trung tâm Hà Đồ – là bản đồ thiên văn học. Ngày mùng 5 / 5 âm lịch là ngày rất gần tiết Hạ Chí, tức là ngày nóng nhất trong năm theo thực tế thời tiết, hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành -là ngày cực Dương thuộc Hoả khí. Bởi vậy, lấy số ngày và tháng cực Âm về biểu tượng là mùng 5 / 5 (Cân bằng Âm Dương). Vì là ngày cực Âm nên biểu tượng bằng ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. (Cha thuộc Dương / Mẹ thuộc Âm). Xét trên Hà đồ thì giờ Ngọ( 12h trưa), ngày mồng 5 tháng 5( tháng Ngọ) là điểm cực âm. Cực âm thì dương khởi, vậy nên gọi là tết Đoan Dương – tức là khởi đầu của dương khí. Mọi phong tục cúng lễ, ăn uống trong ngày Tết Đoan Dương vào tháng Ngọ – là ngày Dương khí bắt đầu khởi thịnh – được truyền miệng trong dân gian đều gắn chặt với khoa học này.
Lịch thiên văn của nền văn minh Lạc Việt là lịch của chu kỳ của tiết khí quanh năm. Ngày mùng 3 tháng 3 là dương khí sinh, mùng 5 tháng 5 là dương khí trưởng. Đây là thời gian con người cần thụ khí, nên có bữa ăn vào giờ Ngọ ( 12h trưa). Hoa quả chính là kết của khí, từ rễ cây đi lên mà thành, vì vậy ăn hoa quả hay cúng quả chính là khí thành ngọc dịch. Buổi sáng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, phong tục hay ăn rượu nếp chính là cách để dẫn khí. Rượu nếp lên men, uống vào làm nhập hỏa bức kim bay lên, chính là những kiến thức của khí công – kiến thức y lý cổ xưa của nền văn minh Văn Lang. Những phong tục dân gian khác như tắm nước lá mùi là vị thuốc nam, các loại thảo mộc thuốc được hái vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch, lại đúng vào giờ Ngọ thì tính dược càng được tăng lên. Treo cây ngải cứu trừ tà ma. Tục đeo “bùa tui bùa túi” là bùa ngũ sắc để đeo vào vòng cổ, chỉ ngũ sắc là màu sắc của vũ trụ – kim, mộc, thủy, hoả, thổ – thường dùng để trừ ma quái. Tục nhuộm móng tay, móng chân, tục này còn ẩn dụng ý trừ ma tà lôi kéo làm hại con người…
Giữ gìn phong tục của ông cha đã là tôt, tìm hiểu nguồn gốc của nó và nhận ra những thông điệp mà ông cha đã gửi lại qua những phong tục đó còn tốt hơn nữa. Ăn Tết Nguyên đán, Tết bánh trôi bánh chay 3-3, Tết Đoan Ngọ 5-5, Tết Trung thu rằm tháng 8…con dân Việt cần tìm hiểu về Hà Đồ – Lạc Thư, khoa học thiên văn cổ xưa mà nền văn minh Văn Lang đã để lại cho hậu thế. Để nhận ra vũ trụ bên trong chúng ta hài hòa như thế nào với vũ trụ bên ngoài trong kiến thức y lý của Đông y học. Đó mới xứng với những gì mà người dân Việt muôn đời sau được hưởng lại từ nền văn minh Văn Lang rực rỡ của nhiều nghìn năm trước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *